Kinh tế tuần hoàn: Xu thế tất yếu của phát triển bền vững

TGAO – Mới đây, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có bài phát biểu tham luận tại Đại hội XIII cho thấy, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt.

0

Ảnh minh họa

Theo đó, việc xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nhấn mạnh: “Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế”. Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

Hiện nay, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích. Điển hình, đối với quốc gia, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Cùng với đó, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân…

Song song với đó, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng đối với doanh nghiệp …

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, trên phạm vi toàn cầu, các Hiệp định, Thỏa thuận toàn cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu thêm: “Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.  Phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một trong những xu thế chủ đạo”.

Minh Sơn – Thanh Phong

Bài viết cùng chuyên mục
Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.