Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và sáng kiến phục hồi kinh tế sau dịch COVID – 19
(TGAO) – Năm 2020, Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội). Theo dự kiến, có 63 điểm cầu cả nước, 30 điểm cầu bộ, ngành vào sáng ngày 9/5/2020. Theo đó, có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh, người dân trong nước và nước ngoài trực tiếp theo dõi.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với doanh nghiệp vào cuối năm 2019.
Theo ông Vũ Đại Thắng – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, năm 2020, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp dự kiến tổ chức vào sáng ngày 9/5/2020 tới đây. Theo đó, đây được coi là Hội nghị Diên Hồng về lĩnh vực kinh tế, khôi phục lại nền kinh tế sau dịch; là hội nghị thể hiện lòng yêu nước, sự đoàn kết, nhất trí của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam để cùng Chính phủ vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa đất nước đi lên sau đại dịch COVID – 19.
Đặc biệt, Hội nghị này được Thủ tướng Chính phủ tổ chức hang năm ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đây là hội nghị lần thứ 4 của Thủ tướng Chính phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2020, Hội nghị sẽ lắng nghe nhiều hơn các hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp với các bộ, ngành, Chính phủ. Qua đó, nhằm khơi gợi, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của doanh nghiệp để vượt qua khó khăn.
Cụ thể, sẽ có 4 vấn đề chính sẽ được nêu ra trong Hội nghị điển hình: Đánh giá chung về ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, Hội nghị diễn ra nhằm nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, thích ứng với hoàn cảnh mới, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch, nắm bắt cơ hội nhằm hướng tới phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ cho nền kinh tế.
Song song đó, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Mặc khác, Hội nghị cũng nhằm đưa ra thảo luận việc hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gẫy các chuỗi cung ứng truyền thống; sự chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh cả ở phía cung và phía cầu; chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để phát triển sản xuất, kinh doanh; cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế…
Theo Tổng cục Thống kê khảo sát thời gian qua, trong số 130.000 doanh nghiệp được có 86% doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong số đó 92,8% doanh nghiệp quy mô lớn, 91,1% doanh nghiệp vừa, 89,7% doanh nghiệp nhỏ, và 82,1% doanh nghiệp siêu nhỏ cho biết chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, còn có tới 88,7% doanh nghiệp FDI được khảo sát cho biết chịu nhiều tác động của dịch COVID-19.
Chỉ tính trong quý 1 năm 2020 doanh thu của các doanh nghiệp giảm mạnh, bằng 74,1% so với cùng kỳ năm 2019, nếu xét trong 4 tháng đầu năm doanh thu của các doanh nghiệp chỉ bằng 70% cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã nhận được nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung ở các giải pháp tháo gỡ khó khăn và sáng kiến phục hồi kinh tế sau dịch. Trong đó, có kiến nghị kích cầu nội địa bằng giảm thuế đánh vào giá bán; Đề xuất Chính phủ cứu doanh nghiệp khi bị mua lại; Giảm thuế, phí hơn nữa…
Thành Ánh – Trắc Long