Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện ISAI: Vì sao doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo giúp nâng cao năng lực cạnh tranh?

TGAO – Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội. Đồng thời, đặt ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp trẻ Việt Nam với những tác động ngày càng mạnh mẽ tới lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… 

0

Nhà báo, Luật gia Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược&Đổi mới sáng tạo (ISAI) thường xuyên gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Văn Tam và bà Châu Thị Thuỳ Hương – CEO Cty SXTM quốc tế Beco về khởi nghiệp, chuyển đổi công nghệ…

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có quá trình số hóa, xu hướng kết hợp giữa thực và ảo, sự bùng nổ của nhiều lĩnh vực công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, điện toán đám mây…Điều này đã mang đến sự thay đổi vượt bậc trong cuộc sống, việc làm và trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trăn trở lớn nhất là doanh nghiệp làm sao để sớm tiếp cận và đổi mới sáng tạo, dựa trên đổi mới công nghệ. Theo đó, nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tri thức và tài nguyên số, tham gia vào mạng sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu làm cho các nước và các nhà sản xuất có nhiều cơ hội phát triển mới.

Thật vậy, Việt Nam với xu thế hội nhập và đổi mới công nghệ đặt ra những vấn đề rất mới trong quá trình phát triển, đi tắt, đón đầu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Mới đây, nền kinh tế nước ta tăng trưởng theo chiều rộng, đó là dựa vào vốn, tài nguyên, lao động… Đặc biệt, lao động không có kỹ năng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động, đây cũng là một thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do vậy, dựa vào những lợi thế này là không bền vững, không giúp cho nền kinh tế Việt Nam tiến xa như kinh nghiệm của các nước đi trước. Trong khi đó, quá trình hội nhập sâu rộng, mô hình đó có thể khiến nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ lệ thuộc ở bên ngoài nhiều hơn, tiếp tục lún sâu vào vào thời kỳ tăng trưởng thấp, dưới mức tiềm năng, hơn nữa khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu,… Điều này, sẽ làm suy yếu khả năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế; tăng trưởng kinh tế tác động xấu đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác cạn kiệt; có thể đây là tình trạng tụt hậu xa của nhiều doanh nghiệp so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới…

Việt Nam, hiện đang xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ mới đây, đó là ngoài 3 đột phá chiến lược của Chiến lược 10 năm 2011 – 2020 (thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực), thì Chiến lược 10 năm tới đang bàn bổ sung 2 đột phá chiến lược mới: đổi mới sáng tạo, giá trị văn hóa và con người Việt Nam.Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhấn mạnh: “Quá trình xây dựng Chiến lược có thể gộp vào trong 3 đột phá chiến lược cũ, hoặc tách riêng ra làm 5 đột phá chiến lược, nhưng dù thế nào, thì cũng sẽ có những nội hàm về đổi mới sáng tạo, giá trị văn hóa và con người Việt Nam”. Song song đó, trong Chiến lược 10 năm 2021 – 2030, việc xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường cũng sẽ được đề cập.

Do vậy, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ, dựa vào đổi mới sáng tạo để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững như Nghị quyết của Đảng về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đề ra những giải pháp lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thường trực Viện Chiến lược&Đổi mới sáng tạo (ISAI) thường xuyên lắng nghe các ý kiến thực tiễn của các chuyên gia đầu ngành trong việc chiến lược đổi mới công nghệ

Theo Sách trắng DN Việt Nam năm 2020 cho thấy, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 DN đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Trong số đó, có 508.770 DN hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm 67,1% tổng số DN cả nước, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2018; Khu vực công nghiệp và xây dựng có 239.755 DN, chiếm 31,6%, tăng 5,1%; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 10.085 DN, chiếm 1,3%, giảm 6,3%.

Năm 2019, cả nước có 138.139 DN thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018. Tổng vốn đăng ký của DN thành lập mới năm 2019 đạt 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018; vốn đăng ký của khu vực dịch vụ đạt cao nhất đạt 1,17 triệu tỷ đồng, chiếm 67,6%, tăng 12,9% so với năm 2018; tiếp đến, khu vực công nghiệp 531,15 nghìn tỷ đồng, tăng 30,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 25,6 nghìn tỷ đồng, giảm 16,5% so với năm 2018. Khu vực dịch vụ có số DN thành lập mới năm 2019 nhiều nhất với 99.548 DN, tăng 5,1% so với năm 2018; khu vực công nghiệp và xây dựng có 36.562 DN, tăng 5,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 2.029 DN, tăng 9,9%.

Theo Viện trưởng Viện ISAI Hồ Minh Sơn cho biết, đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, đổi mới sáng tạo là việc việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Như vậy, đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và doanh nghiệp. Theo đó, đây còn là động lực cho sự tiến bộ kinh tế và sức cạnh tranh của tất cả các nước. Đổi mới sáng tạo có thể diễn ra ở cả lĩnh vực thương mại và phi thương mại. Do đó, trên thế giới hiện có nhiều nước đang đặt sự đổi mới sáng tạo thành trung tâm của chiến lược phát triển và rất chú trọng đến chỉ số đổi mới sáng tạo. Có thể hiểu, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu nhằm mục đích đưa ra phương tiện đánh giá năng lực cũng như hiệu quả của đổi mới sáng tạo, thể hiện tầm quan trọng trong thời điểm hiện nay, khi sáng tạo là một trong những mục tiêu tăng trưởng phát triển thiên niên kỷ đến năm 2020.

Cũng theo Viện trưởng Viện ISAI Hồ Minh Sơn cho rằng sáng tạo là động lực quan trọng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội. Sáng tạo là hiện tượng mang tính toàn diện từ sáng chế về mặt khoa học mới nhất và những sáng tạo mang tính bình dân hay những hoạt động sáng tạo dàn trải theo chiều ngang trong phát triển của nền kinh tế… Sáng tạo đổi mới tạo ra những giá trị mới, gia tăng giá trị lao động của con người và nhờ đó tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đổi mới chi phối tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng việc làm, tiền lương thông qua chi phối tăng năng suất..

Trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm là: “Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trường, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”… “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”.

Theo TS. Phí Thị Hồng Linh, Trường Đại học kinh tế Quốc Dân chia sẻ, năng lực cạnh tranh của Vùng kinh tế phía Nam được đánh giá thông qua năng suất lao động và mật độ kinh tế. Trong các Vùng trọng điểm, Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam có năng suất lao động cao nhất nhưng tốc độ tăng thấp hơn Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và miền Trung. Trong giai đoạn 2011-2017, năng suất lao động Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tăng khoảng 5%/năm, trong khi đó Bắc bộ là 8,54%/năm. Trong khi đó, mật độ kinh tế của Vùng phía nam cũng thấp hơn vùng Bắc bộ. Giai đoạn 2011-2017, mật độ kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng 19,4 tỷ đồng/km2 nhưng ở Vùng Bắc bộ lại tăng 28,5 tỷ đồng/km2.

Do đó, chỉ vài số liệu phân tích khác cho thấy, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam còn hạn chế về: Năng lực cạnh tranh không cao, đang có xu hướng giảm, năng lực cạnh tranh của các địa phương trong Vùng còn chênh lệch lớn. Có thể khẳng định, chỉ có đổi mới sáng tạo mới có thể làm tăng năng lực của nền kinh tế. Tin rằng, chúng ta cần phải quan tâm đến những vần đề có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của Vùng hiện nay như:

Nâng cao chất lượng lao động: Cần xây dựng chương trình chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho từng địa phương trên cơ sở dự báo về nhu cầu lao động trong thời gian tới, cả về số lượng và chất lượng. Tập trung đào tạo cho các ngành nghề mũi nhọn, các nghề đang có nhu cầu lớn về nhân lực, nội dung đào tạo gắn với thực tiễn. Khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo, liên kêt với doanh nghiệp trong đào tạo và nâng cao năng lực cho người lao động.

Đầu tư và thúc đẩy môi trường sáng tạo, cốt lõi là con người. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ tiên tiến, tăng tỷ lệ nội địa hóa với các sản phẩm công nghệ cao. Thực hiện thúc đầy các chương trình chi sẻ, kết nối các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Xây dựng một mạng lưới kết nối với sự quản lý của đơn vị chuyên nghiệp và sự định hướng hoạt động với mục tiêu phát triển rõ ràng sẽ mang lại một cộng đồng kết nối và chia sẻ có hiệu quả hơn trong vùng.

Viện trưởng Viện ISAI Hồ Minh Sơn đồng hành cùng ThS BS Nguyễn Quang Tiến – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc BV Răng hàm mặt Sài Gòn trao đổi về chyển đổi khoa học công nghệ về Y khoa

Như vậy doanh nghiệp cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi kinh doanh toàn cầu với việc đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc tế; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của DN đáp ứng được yêu cầu phát triển theo hướng trang bị những tri thức, kỹ năng mới; Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Thanh Phong – Văn Hải

Bài viết cùng chuyên mục
Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.